Champagne và Sparkling Mỹ
THỊ TRƯỜNG SỐ MỘT SPARKLING
Gần cuối năm 2019, rất nhiều báo cáo thống kê cho biết số lượng vang sủi tiêu thụ tại Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1970. Sự tăng trưởng đáng kể này là kết quả của số chai Champagne nhập qua từ Pháp nhiều hơn kèm với sự phát triển thần tốc của các chai "California Champagne" và các chai vang sủi Mỹ, chủ yếu tạo ra bởi những doanh nghiệp Pháp đầu tư ở Bờ Tây.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể hiểu rằng người Mỹ không hề xa lạ với Champagne vì những người da trắng khai hoang lập nghiệp ở 13 thuộc địa ban đầu bên Bờ Đông đều là những người Anh, người Hà Lan, người Đức... tức người châu Âu đã quen uống vang sủi Pháp. Sử sách cũng ghi nhận rằng những thùng hàng chất đầy các chai Champagne đã được vận chuyển đến các thuộc địa ấy vào năm 1750.
Thời gian trôi nhanh, người Mỹ chịu ảnh hưởng vang sủi Pháp nên không chỉ nhập Champagne và vang sủi các loại về uống mà còn tự sản xuất "American Champagne" và "American sparkling wines" theo cách thức của các nhà sản xuất tại Champagne. Vì thế không ngạc nhiên khi biết trong năm 2017, chỉ riêng hai nhãn Champagne thứ thiệt bán chạy nhất tại Mỹ là Veuve Clicquot và Moet & Chandon cộng chung bán được 835.000 thùng (hơn 10 triệu chai), nhưng chỉ chiếm 6% tổng lượng vang sủi tiêu thụ tại đất nước này. Hơn một nửa số 261 triệu chai vang sủi bán ra khắp nước Mỹ trong năm 2017 là vang sủi sản xuất trên đất Mỹ, chủ yếu tại 4 bang bên Bờ Tây (California, Oregon, Washington, New Mexico) và 2 bang bên Bờ Đông (Virginia và New York).
Brotherhood Winery được cho là lò sản xuất vang Mỹ lâu đời nhất, nhưng cũng được lập nên bởi một người Pháp di dân vào năm 1839, tại Washingtonville, bang New York, sát bên bờ sông Hudson. Đây là thí dụ điển hình về sự phát triển sản xuất vang sủi tại Mỹ và hiện vẫn còn tiếp diễn. Thí dụ Thibaut-Janisson, một cơ sở sản xuất tại bang Virginia có tên gọi ngắn gọn T-J nhắc nhớ đến Thomas Jefferson, một trong những ông tổ lập quốc, tổng thống thứ ba của nước Mỹ và cũng là người rất mê uống Champagne. Đây là cơ nghiệp của ông Claude Thibaut, người Pháp sinh ra tại Marne, quê hương của Champagne, đã di cư sang Mỹ mua đất trồng nho và làm vang ở Afton, Shenandoah Valley vào năm 2005. Lò T-J hiện mỗi năm sản xuất khoảng 40.000 chai sparkling.
"SAME SAME BUT DIFFERENT"
Vang sủi làm ra từ lò này không hoàn toàn giống Champagne Pháp nhưng chai Blanc de Chardonnay Brut thơm mùi táo, lê và hạt dẻ rất được người Mỹ ái mộ, thậm chí được Nhà Trắng khui mời quan khách và thường có trong wine menu ở các nhà hàng sang trọng, sành điệu ẩm thực ở thủ đô Washington D.C. "Nhiều sommeliers cứ do dự không biết nên gọi sparkling của chúng tôi là vang sủi Pháp hay vang sủi Mỹ, nhưng thành thực mà nói, chúng tôi sẽ chẳng đạt được đẳng cấp các nhà Champagne hàng đầu bên Pháp," chính ông Claude Thibaut phải nhìn nhận.
Không bị giới hạn như các nhà Champagne Pháp chỉ được sử dụng 7 giống nho (mà chủ lực là Chardonnay, Pinot noir và Pinot Meunier) để sản xuất ra các chai vang sủi đính nhãn Champagne, các nhà sản xuất Champagne và sparkling theo kiểu Mỹ được tự do trong khâu chọn lựa các giống nho. Cho nên hương và vị là một sự "trăm hoa đua nở", nhưng họ vẫn bám "ăn theo" nhãn hiệu vàng "Champagne".
Dĩ nhiên có một số nhà sản xuất không chấp nhận kiểu làm ăn này nên trên nhãn chai vang sủi của họ chỉ ghi "Méthode Champenoise", "Méthode traditionnelle" hoặc "Fermentation in bottle". Rất đúng với nội dung thỏa thuận về bảo vệ tên gọi ký kết giữa Pháp và Mỹ hồi năm 2005 (sẽ đề cập riêng ở một bài khác).
GHI NHẬN:
THỊ TRƯỜNG VANG SỦI MỸ, BA NHÁNH
*Nhánh 1: Champagne thứ thiệt nhập qua từ Pháp, giá bán lẻ mỗi chai từ 40 USD trở lên,
*Nhánh 2: Vang sủi cao cấp của Mỹ, có vốn và kinh nghiệm của các nhà Champagne Pháp, không có ghi thêm "California Champagne", giá bán lẻ từ 30 đến 50 USD/chai
*Nhánh 3: Vang sủi phổ thông, thường tự khoe là American Champagne, giá bán lẻ dưới 10 USD/chai
RẤT MÊ PINK
Thời tiết, khí hậu, đất đai ở California rất thuận lợi cho việc trồng nho và sản xuất các loại vang sủi hồng. Số lượng lớn, giá rẻ nên Pink American Champagne và pink sparkling bán rất chạy (15% tổng lượng vang sủi so với thị trường thế giới chỉ có 9%). Nếu như Anh là thị trường số một của Champagne Pháp các loại thì Mỹ là thị trường số một của Champagne Rosé Pháp.
BỘ TỨ ĐẠI GIA CHAMPAGNE PHÁP TRÊN ĐẤT MỸ
Các nhà Champagne Pháp có cơ sở sản xuất vang sủi tại Mỹ theo truyền thống và kinh nghiệm của từng nhà gồm có:
*Domaine Chandon, nhà Moet Hennessy, tại Napa Valley từ năm 1973, chai Étoile Brut giá 50 USD; chai Domaine Chandon NV Étoile Rosé Sparkling (Carneros) giá 55 USD,
*Mumm Napa, nhà Champagne G.H Mumm liên doanh với tập đoàn rượu Seagram tại Napa Valley từ năm 1979, chai Brut Prestige NV giá bán lẻ 24 USD
*Roederer Estate, đầu tư của nhà Louis Roederer, tại Mendocino County, California từ năm 1982. Chai L' Ermitage Brut 2013 giá bán lẻ tại Mỹ 60 USD!
*Domaine Carneros, nhà Champagne Taittinger, tại Napa Valley, từ năm 1989
BỘ TỨ SPARKLING MỸ:
*Schramsberg Vineyards, thành lập bởi người Mỹ từ năm 1965. Không có liên quan gì với các nhà Champagne Pháp nhưng có quyết tâm làm ra loại vang sủi đẳng cấp thế giới không thua kém gì các chai Champagne thứ thiệt. Nhà này thường bay sang Pháp học hỏi nghề làm vang của các nhà Champagne Bollinger, Pol Roger, Louis Roederer. Sản phẩm đầu tiên gây tiếng vang khắp thế giới là chai Blanc de Blanc khi TT Richard Nixon khui uống mừng hòa bình cùng Chu Ân Lai hồi năm 1972. Chai Schramsberg 2010 Reserve Sparkling (North Coast) giá 120USD!!!
*Iron Horse Vineyards có chai Classic Vintage Brut giá 45 USD
*Benovia Winery nổi tiếng với chai Blanc de Noir Sparkling Wine giá 60 USD
*Flaunt được biết đến với chai Flaunt Sonoma County Brut, giá 48 USD